TTO – Tinh thần “đổi mới” giáo dục ở bậc phổ thông thể hiện rõ trong nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022-2023 ở nhiều nơi, đặc biệt là ở hai địa phương có số lượng học sinh đông là Hà Nội và TP.HCM.
Mục tiêu dạy học sinh thành người con hiếu thảo là vấn đề rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng, bây giờ chúng ta không thể dạy đạo đức theo kiểu áp đặt rằng em phải làm cái này, em phải làm cái kia… Thay vào đó, người giáo viên chỉ nên gợi mở vấn đề, sau đó cho các em thảo luận, trình bày suy nghĩ của mình và rút ra những bài học cho bản thân.
TS Huỳnh Công Minh (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh nhấn mạnh đây là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Những “đổi mới” này thế nào?
Dạy học sinh trở thành người con hiếu thảo, trách nhiệm
Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu “công ơn” và hành động để thể hiện “biết ơn” là một trong năm mục tiêu mà Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra đối với các trường THCS, THPT năm học 2022-2023.
Ông Nguyễn Bảo Quốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Dựa vào định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng năm mục tiêu chính đối với các trường THCS, THPT. Đó là: Học để làm người công dân tốt, có kỹ năng để thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế. Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu “công ơn” và hành động để thể hiện “biết ơn”. Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình. Học để đóng góp cho thành phố và đất nước. Dạy học để phát huy tính tích cực, tự học của người học, dạy học để người học hạnh phúc. Trong đó, mục tiêu thứ hai: Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu “công ơn” và hành động để thể hiện “biết ơn” đặt ra trong thời điểm này, tôi cho là cần thiết”.
Theo ông Quốc, thật ra việc dạy chữ đi đôi với dạy người đã được ngành GD-ĐT TP.HCM thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, các em học sinh dễ dàng tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong đó, rất có thể học sinh sẽ bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa coi trọng cái “tôi” của bản thân chứ không coi trọng truyền thống gia đình, lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ… Do đó, sở đặt ra mục tiêu “Học để làm người con hiếu thảo” để nhắc nhở các nhà trường, các thầy cô giáo hãy chú trọng, hãy đẩy mạnh nội dung này trong quá trình giáo dục học sinh.
“Dạy con tuổi teen biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đang là vấn đề đau đầu nhất của vợ chồng tôi hiện nay” – chị Thu Minh, phụ huynh có con đang học lớp 8 ở quận 3, TP.HCM, bộc bạch. Theo lời chị Minh, “hồi tiểu học, con tôi là một chàng trai tình cảm, rất quan tâm đến bố mẹ và mọi người trong gia đình. Nhưng từ khi cháu học lớp 7 đến nay, tính tình thay đổi hẳn. Cháu chỉ biết đến nhu cầu của bản thân mình chứ mẹ bệnh cũng không hỏi thăm, bố có than đau lưng cũng mặc kệ coi như không biết. Đi học về là cháu đóng cửa và ở luôn trong phòng. Thậm chí, khi bà nội bệnh, tôi lên kế hoạch để cả nhà cùng vào bệnh viện thăm bà, cháu cũng từ chối không đi với lý do bận học”.
Thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM, cũng thừa nhận: “Đa số các gia đình hiện nay chỉ có từ 1 – 2 con nên nhiều phụ huynh cố gắng đáp ứng tất cả nhu cầu vật chất và tinh thần cho con em. Các em sống trong đủ đầy, muốn gì được nấy nên nhiều em chỉ biết “nhận” chứ không biết “cho”. Thế nên nếu nhà trường hỗ trợ phụ huynh để giáo dục các con về lòng hiếu thảo, sống có trách nhiệm thì tôi mừng lắm. Bởi khi trẻ bước vào tuổi teen, chúng tôi rất khó dạy con, ba mẹ nói gì cháu cũng cho là giáo điều” – chị Nguyễn Thị Thu Hiền, phụ huynh có hai con đang học THCS ở quận 6, TP.HCM, tỏ ra phấn khởi.
Làm sao cho học sinh “thấm”?
“Những năm trước, trường chúng tôi đều có đưa nội dung dạy học sinh làm người con hiếu thảo, sống có trách nhiệm vào chương trình chính khóa và cả ngoại khóa. Tuy nhiên, năm nay nội dung này đưa vào là một trong năm mục tiêu chính tức là các trường sẽ làm cho nó nổi bật hơn, nhấn mạnh hơn” – ông Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM, bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Đắc cho rằng việc giáo dục học sinh làm người tử tế cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Trong đó, người lớn cần làm gương, việc giảng dạy cũng không chỉ gói gọn trong môn giáo dục công dân mà cần lồng ghép vào tất cả các môn học. Không chỉ nói lý thuyết suông mà giáo viên, phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn học sinh… kể cả trong những việc nhỏ nhất như chào hỏi người lớn, chứ vài ba chuyên đề ngoại khóa sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Trần Tuấn Anh đúc kết: “Quan trọng là làm sao cho học sinh “thấm”, biến những lý thuyết về lòng hiếu thảo thành hành động. Theo tôi, không chỉ lồng ghép vào nhiều hoạt động, nhiều môn học khác nhau, các nhà trường cần tôn vinh những tấm gương học sinh sống tốt – sống đẹp. Đó giờ, mình chỉ khen thưởng học sinh giỏi thì nay có thể khen thưởng thêm cả học sinh hiếu thảo. Rồi có thể viết bài, quay clip… cho học sinh toàn trường cùng xem, nghe, đọc. Cách giáo dục thuyết phục nhất chính là đưa ra những nhân vật có thật, gần gũi với các em. Mà học sinh hiếu thảo thì trường nào cũng có”.
Những thông điệp ý nghĩa trong dịp khai trường
Học sinh Trường phổ thông Marie Curie (Hà Nội) tặng sách cho học sinh ở Mèo Vạc – Ảnh nhà trường cung cấp
Với tinh thần tự chủ trong xây dựng các chủ đề giáo dục phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, nhiều nhà trường ở Hà Nội có những sáng kiến, chương trình hành động có ý nghĩa thể hiện qua các thông điệp được công bố và khởi động ngay trong dịp khai trường.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng hệ thống Trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết thông điệp gửi đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh trong năm học mới là: Nhân ái.
Không phải chờ đến khai giảng năm học, trong các tháng 7 và 8-2022, thầy trò Trường Marie Curie đã thực hiện việc kết nối, mang sách giáo khoa, sách giáo dục, văn học cho các trường khó khăn ở Mèo Vạc (Hà Giang). Đi kèm với đó là các hoạt động lan tỏa tinh thần đọc sách, xây dựng tủ sách dùng chung tại những địa bàn khó khăn, thiếu thốn này.
Thầy Khang cho biết những hoạt động hỗ trợ học sinh và các nhà trường vùng khó của trường không làm theo phong trào, mà khảo sát cụ thể, cẩn trọng và triển khai hiệu quả. Năm học 2022-2023, trường đang tiếp tục triển khai những hoạt động, tập trung vào việc hỗ trợ, đồng hành với trường học vùng khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quá trình thực hiện luôn có sự tham gia của học sinh các lớp, đó là cách giáo dục ý thức trách nhiệm với cộng đồng, theo tinh thần truyền thống “nhường cơm sẻ áo”. Theo thầy Khang, thông điệp “Nhân ái” sẽ thể hiện ở những kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực.
Trường tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Thanh Oai, Hà Nội) đưa ra thông điệp: Năm học của sự biết ơn. Theo lãnh đạo nhà trường, chủ đề “sự biết ơn” sẽ thể hiện ở nhiều hoạt động ý nghĩa ngay trong ngày khai trường như học sinh rửa chân cho cha mẹ, học sinh tự pha trà mời cha mẹ, học sinh đảm nhiệm việc quét dọn vệ sinh một buổi thay cho các nhân viên lao công… để thể hiện sự biết ơn.
Tuy nhiên theo thầy Phạm Tuấn Đạt, phụ trách nhà trường, thì chủ đề “sự biết ơn” còn nằm trong các hoạt động trải nghiệm xuyên suốt năm học. Thư viện của trường năm nay cũng dành một khu vực để sưu tầm các đầu sách về “sự biết ơn”, cùng với đó là các tiết đọc sách, giới thiệu, trao đổi về chủ đề này.
“Gieo những hạt mầm của lòng biết ơn, trân trọng những gì mà bản thân chúng ta đang có được mỗi ngày là điều mà nhà trường mong muốn ở học sinh khi triển khai chủ đề này trong năm học 2022-2023” – thầy Đạt cho biết.
Hệ thống Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) tới năm học này là năm thứ tư triển khai dự án trường học sinh thái, khuyến khích học sinh bảo vệ môi trường sống. Vì thế “thông điệp xanh” tiếp tục được đặt ra vào dịp khai giảng năm học và được lồng ghép trong các môn học và hoạt động ngoại khóa, triển khai trong cả năm học.
“Chúng tôi giáo dục học sinh hiểu rõ hậu quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra: dịch bệnh; chiến tranh và xung đột; và sự biến mất, phá hủy của các bờ biển, hệ sinh thái bị phá hủy, đa dạng sinh học. Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, học sinh có thể thực hiện chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động hằng ngày như sử dụng bình nước uống nước cá nhân, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại lớp học, thu gom pin đã qua sử dụng…” – bà Nguyễn Thị Minh Thúy, hiệu trưởng hệ thống Trường Nguyễn Siêu, chia sẻ.
VĨNH HÀ
Dự án 100 sách nói
Ngay trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2022-2023, Trường THPT Võ Văn Kiệt sẽ bấm nút khởi động dự án “100 Audio Book những câu chuyện văn hóa thường thức” nhằm giáo dục học sinh theo trọng tâm “Học để làm người con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu công ơn và hành động để thể hiện lòng biết ơn”. Đây là những câu chuyện có thật, với nhân vật chính trong câu chuyện là giáo viên, nhân viên, học sinh Trường Võ Văn Kiệt hoặc gia đình các em. Đó có thể là một bài học ứng xử với người lớn tuổi, một tấm gương học sinh chăm sóc ba, mẹ, ông, bà; một câu chuyện về bảo vệ môi trường… Các câu chuyện sẽ được thể hiện bằng clip, bằng hình ảnh, bằng lời kể và được số hóa để có thể lan tỏa đến nhiều người.
Thiết nghĩ giáo dục đạo đức cho học trò không cần phải dùng những từ ngữ cao siêu, những việc làm lớn mà chỉ cần những việc làm nhỏ, thiết thực, những tấm gương sáng ở gần với các em…
Cô Lê Thị Hồng Anh (phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM)
Tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tới thăm, động viên các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh Trường tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ ngày 3-9, ngay trước thềm năm học mới. Qua kiểm tra thực tế tại các nhà trường, Thủ tướng yêu cầu hết sức chú ý vấn đề vệ sinh, môi trường, nhà vệ sinh cho các em học sinh, không coi đây là “công trình phụ”. Ông nhắc nhở việc bảo đảm nước sạch trong nhà vệ sinh, khi có những vòi nước ngay trước ngày khai giảng vẫn chưa có nước. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan, các địa phương nghiên cứu mở rộng khuôn viên các trường, tránh tình trạng các phòng học quá chật hẹp để tạo điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục, chăm sóc các em.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vao-nam-hoc-moi-hoc-de-lam-con-hieu-thao-20220904233923887.htm?gidzl=RDgyM2xd5rLxtxvUDUKNL7tKkKSmw1DCAeUuHpEs7nzwZx91PxCKIoNPlHSxwHj98TBbHti9dpqWunTS