Siddhatha là một đứa trẻ đặc biệt. Từ lúc mới sinh ra cậu chẳng khóc một tiếng nào. Ai đến gần cậu đều cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng. Mỗi lần hoàng hậu Pajapati bế cậu ra vườn dạo chơi thì muôn hoa đều nở tươi tắn, chim muông vây quanh ríu rít để chơi cùng cậu.
Lên sáu tuổi, vua Suddhodana cho mời những vị thầy giỏi nhất vùng đến dạy thái tử học. Thái tử được học viết chữ, võ thuật, toán số, kinh văn và địa lý. Thái tử luôn làm các vị thầy của mình bất ngờ vì sự thông minh, sáng dạ của mình! Thái tử học tới đâu thì nhớ tới đó, học một biết mười. Học viết chữ, thì chưa đầy ba tuần Siddhattha đã đọc và viết thành thạo, điều mà một đứa trẻ bình thường phải mất đến ba năm. Thầy võ dạy cho thái tử đòn thế nào thì cậu có thể thực hiện đúng y đòn thế đó, không những thế, từng đòn thái tử tung ra còn có nội lực rất kỳ lạ. Về toán số, thái tử tính rất nhanh, bài toán vừa đưa ra vài phút sau thì thái tử đã có kết quả, nhiều khi chỉ cần vài giây. Kinh văn, địa lý cũng tương tự như thế! Dù rất thông minh, nhưng thái tử luôn có thái độ khiêm cung trước các vị thầy của mình, siêng năng, chăm chỉ làm theo những gì thầy dạy.
Thái tử tuy còn nhỏ tuổi nhưng có những suy nghĩ rất sâu sắc. Rất nhiều lần, những thắc mắc của thái tử đã làm các vị thầy của mình bối rối.
Trong một giờ học Kinh văn, Siddhattha được thầy dạy rằng Trời, Đất, Con người và Muôn thú đều do thần Brahma tạo ra. Trong đó, con người là cao quý nhất và có vẻ bề ngoài giống thần Brahma nhất. Nhưng không phải ai cũng đều như nhau. Trong đó giai cấp Khattiya (Vua chúa) và Bà La Môn (các tu sĩ) là cao quý nhất, những giai cấp còn lại đều bị xem là thấp kém hơn. Có những người thuộc giai cấp Thủ Đà La (những người osin, phục dịch), được xem không bằng cả một con vật. Siddhatha trẩm ngâm suy tư một chút rồi hỏi thầy của mình:
“Thưa thầy, vậy thần Bhrama từ đâu mà ra? Đã có ai gặp được thần hay chứng kiến được những điều trên là sự thật? Tại sao mọi người, mọi loài không thể sống bình đẳng và thương yêu nhau?”.
Vị thầy rất kinh ngạc vì trước giờ chưa ai dám đặt những câu hỏi như thế, ông hơi bối rối:
“Thưa thái tử, những điều đó được ghi trong kinh Vệ Đà, bộ kinh này được truyền suốt mấy ngàn năm nay, tất cả những điều trong đó là sự thật hiển nhiên”.
“Thưa thầy, thế chúng ta có biết ai là người đầu tiên viết kinh ấy không ạ? Những điều trong kinh trước giờ có ai kiểm chứng lại chưa ạ?”.
“Quả thật là chưa có ai. Thái tử mới nhỏ tuổi mà đã có những suy nghĩ sâu sắc, lập luận sắc bén như thế! Thái tử đúng là thiên tài mà các vị thần mang đến cho chúng ta!”, vị thầy nghĩ bụng như thế.
Việc học tập của Siddhattha ngày càng tiến bộ khiến vua Suddhodana rất vui lòng. Một hoặc hai năm sau, khi thái tử lớn hơn một chút, ông sẽ cho thái tử học cách chiến đấu với các loại binh khí, cưỡi ngựa, bắn cung, dàn trận, chính trị, ngoại giao. Ông đặt rất nhiều kỳ vọng vào thái tử, một ngày nào đó Siddhattha sẽ trở thành một vị Đại Vương thống nhất cả thiên hạ, làm rạng danh tổ tông dòng họ Sakya.
BA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!
- Thái tử Siddhattha đã được học những môn nào?
- Thái tử đã làm bất ngờ các vị thầy của mình như thế nào?
- Thái tử có tin rằng các vị thần đã tạo ra tất cả mọi thứ không? Vì sao con biết?
- Thái tử có thích việc phân chia giai cấp không? Thái tử muốn mọi người, mọi loài sống với nhau như thế nào?
- *Con học được gì ở Thái tử Siddhattha?