Phụ huynh, học sinh đổi vai làm giáo viên dạy online.

Thử làm giáo viên, Thuỳ Linh không thể tạo được không khí sôi động cho lớp học; từ đó em thấu hiểu hơn cảm giác buồn bực của cô giáo khi trò thiếu tương tác.

Chiều 16/11, Nguyễn Thuỳ Linh, học sinh lớp 9A2 trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội), lần đầu trải nghiệm làm giáo viên, dạy bài “Thương mại và Du lịch” trong chương trình môn Địa lý. Học sinh của em là các bạn cùng lớp và cô giáo.

Chuẩn bị kỹ càng suốt 3 ngày, từ slide, bản đồ, hình ảnh so sánh, đến luyện giảng tại nhà, tập luyện các thao tác trên Microsoft Teams, Linh không thể ngờ tiết dạy của mình không trơn tru như mong đợi.

Mới bắt đầu, Internet đã trục trặc khiến “cô giáo mới” chậm tiết học. Khi vào bài, cảm giác hồi hộp khiến em chỉ có thể đọc lại những gì mình chuẩn bị, đôi lúc còn nhầm, dùng kính ngữ như khi còn là học sinh. Trong lớp, các bạn không mấy hứng thú tham gia ý kiến mỗi khi Linh hỏi. Dù đã động viên “học sinh” nói sai hay thiếu cũng không sao, tất cả vẫn im lặng khiến Linh phải gọi tên ngẫu nhiên. Linh rơi vào trạng thái buồn bực và cô độc khi gần như cả lớp tắt camera, ít tương tác, khiến giờ dạy trở nên tẻ nhạt.

“Em khá buồn vì các bạn im lặng. Mạng lỗi cũng khiến em không tương tác được nhiều”, Linh nói và dùng từ “quê” để diễn tả cảm giác về tiết dạy của mình, dù cô giáo đã khen Linh làm tốt.

Thuỳ Linh chuẩn bị bài giảng rất kỹ nhưng không đem lại hiệu ứng như mong muốn. Ảnh chụp màn hình

Thuỳ Linh chuẩn bị bài giảng rất kỹ nhưng không đem lại hiệu ứng như mong muốn. Ảnh chụp màn hình

Sau tiết dạy, nữ sinh chiêm nghiệm ra nhiều điều. “Em và các bạn vẫn thường xuyên băn khoăn Sao hôm nay cô buồn thế, cô khó tính, gắt gỏng như vậy. Giờ thì em thực sự hiểu. Chuẩn bị bài giảng vất vả, chưa kể các công việc khác, vậy mà lên lớp học sinh không tích cực, bài dạy không suôn sẻ. Có lẽ không ai có thể kiểm soát hoàn toàn cảm xúc trong tình huống đó”, Linh chia sẻ, thông cảm hơn với thầy cô.

Đăng ký thử làm giáo viên ở lớp của con, anh Trần Duy Chức, 44 tuổi, phụ huynh có hai con lớp 4 và 6, cũng chia sẻ với giáo viên hơn và giảm kỳ vọng “con học online cũng phải được như học trực tiếp” như trước đó.

Để dạy bài “Nghệ thuật thuyết trình” cho lớp 6, anh Chức mất một tuần chuẩn bị, trong đó phần slide phải nhờ con gái làm bởi con thành thạo ứng dụng, thiết kế hình ảnh hơn.

Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, từng phát biểu đứng trước cả trăm người thế nhưng anh chưa bao giờ dạy online với học sinh như hôm nay. Vì vậy, phụ huynh này vẫn có phần hồi hộp.

Buổi chia sẻ của anh Chức khá thành công với hình thức đưa ra câu hỏi để lôi cuốn sự tương tác của học sinh trước khi cung cấp kiến thức chính. Nhiều học sinh hào hứng phát biểu. Thậm chí giáo viên tham gia lớp học cũng khen anh làm chủ được tiết dạy, quản lý tốt thời gian và đem lại những kiến thức hữu ích mà thầy cô cũng phải học hỏi thêm.

Thế nhưng, anh Chức có nhiều điểm chưa hài lòng bởi thời gian ngắn (chỉ 40 phút) khiến anh phải cắt nhiều nội dung, cũng không thể cho nhiều con phát biểu. Anh không quan sát được các con có chú ý hay không, nhiều con tắt camera nhưng chưa thể nhắc nhở.

Phụ huynh này cho rằng đứng bục giảng dạy trực tiếp đã vất vả, dạy học online còn khó khăn hơn nhiều. “Chúng tôi thường phàn nàn học sinh học online thiệt thòi, chất lượng kém nên phụ huynh phải vất vả hỗ trợ. Nhưng ngẫm lại, thầy cô dạy online còn vất vả hơn nhiều. Quản lý lớp học online rất khó. Thầy cô vừa giảng vừa phải quan sát xem các con có thực sự đang học không hay ngồi chơi game, vào mạng xã hội, giả vờ mất mạng. Tay phải thao tác nhanh hơn, nói nhiều hơn”, anh Chức chia sẻ.

Sau hai tiết dạy ở hai lớp của con, anh Chức cho rằng phụ huynh nên sẵn sàng đồng hành cùng giáo viên trong thời gian đặc biệt này.

Anh Chức (góc trên bên phải màn hình) trong buổi làm giáo viên cho lớp của con. Ảnh chụp màn hình

Anh Chức (góc trên bên phải màn hình) trong buổi làm giáo viên cho lớp của con. Ảnh chụp màn hình

Hoạt động để phụ huynh và học sinh thử làm giáo viên nằm trong sự kiện “Ngày đồng cảm” do trường Xanh Tuệ Đức phát động. Cô Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là năm thứ tư sự kiện diễn ra với mục đích để phụ huynh hiểu về ý nghĩa của từ “đồng cảm” (đồng hành và cảm thông).

Cô Tâm cho biết không chỉ phụ huynh, học sinh “đổi vai” để đứng lớp thay giáo viên mà chính giáo viên, nhân viên trong trường cũng đổi vai cho nhau. Hiệu trưởng có hôm vào dạy các tiết học, thử làm bảo vệ, nhân viên nhà bếp, nhân viên dọn vệ sinh. Giáo viên thay vì dạy hai lớp sẽ thử dạy tiết học của lớp khác để xem học sinh, phụ huynh ra sao, có thêm áp lực gì.

Với phụ huynh, sau mỗi lần trải nghiệm làm giáo viên, họ lại thấu hiểu, cảm thông hơn. Với học sinh, có con lớp một cũng xin được làm cô giáo một ngày. Các con chưa truyền đạt được kiến thức tròn trịa nhưng thể hiện rất tự tin, giống giáo viên. Thầy cô sẽ thấy các con luôn bắt chước mình, từ đó nâng cao ý thức tự rèn luyện để làm gương.

“Còn với tôi, mỗi lần đứng lớp là một lần hiểu giáo viên đang gặp phải những vấn đề, khó khăn gì để điều chỉnh trong công tác quản lý. Khi làm nhân viên nhà bếp, tôi hiểu được sự vất vả của họ. Với giáo viên trong toàn trường, họ đồng cảm với nhau mỗi khi dạy thay tiết của nhau”, cô Tâm nói và khẳng định sẽ duy trì các hoạt động “đồng cảm” với mục tiêu “Có đồng hành mới có cảm thông. Có thấy hiểu mới yêu thương thực sự”.

 

Nguồn: https://vnexpress.net/phu-huynh-hoc-sinh-doi-vai-lam-giao-vien-day-online-4386820.html?gidzl=AIrH6H8rdJO-A5CV2JUTDZCjLmS7D9ekP7vM1mHgbdqqTbm1K6-TAMiWKrSCDP8hRoiB1m8i-1ySCPq_