NHỮNG VIÊN ĐÁ LỚN

Ngày đầu tiên nhận lớp sau khi làm quen và chào hỏi, người thầy chủ nhiệm thay vì khuyên các em học hành chăm chỉ và cố gắng nỗ lực trong năm học này, thì ông lại im lặng và lấy ra một số thứ.

Ông đặt trên bàn một cái bình lớn, sau đó lấy những viên đá to bằng nắm tay bỏ vào trong bình cho tới khi bình đầy và không thể bỏ thêm đá vào nữa. Lúc bấy giờ, ông hỏi lớp: Các em thấy cái bình này đã đầy chưa ?

Mọi người nhao nhao nói lớn rằng bình đã đầy rồi. Người thầy bèn lấy từ dưới bàn một bịch sỏi và bỏ vào trong bình. Những viên sỏi len lỏi giữa những cục đá lớn và từ từ lọt hết vào bình. Nhìn học sinh mình, ông lại hỏi: “Đầy chưa?”. Một vài học sinh nói lí nhí: “Chắc là chưa đâu”.
“Giỏi lắm!” – Người thầy nói và liền giơ cho cả lớp thấy một bịch cát. Ông đổ hết bịch cát vào bình và những hạt cát lại nhanh chóng len lỏi giữa những viên đá, viên sỏi rồi cuối cùng nằm gọn hết trong bình. Một lần nữa ông lại hỏi: “Đầy chưa?”. Lần này hơn nửa lớp la lên: “Chưa!”
Mỉm cười, ông bưng một xô nước đổ vào trong bình cho đến khi nước dâng ngập bình. Nhìn cả lớp, người thầy từ tốn hỏi: “Ý nghĩa của minh họa này là gì?”. Một học sinh mạnh dạn trả lời: “Thưa thầy, bài học là cho dù thời khóa biểu của chúng ta có bận rộn đến như thế nào, nếu như biết sắp xếp thêm chút nữa thì chắc chắn thế nào chúng ta cũng có thể làm thêm được vài việc khác nữa”.
“Đúng” – Người thầy nói – “Nhưng đó không phải là điểm chính của minh họa vừa rồi. Điều chúng ta học được ở đây là nếu như không để những viên đá lớn vào trước thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ bỏ chúng vào trong bình được nữa”.
“Các em hãy suy nghĩ thật kĩ về những điều mà các em cho là quan trọng nhất trong đời, chúng là nền tảng của cuộc sống, là những viên đá lớn cần phải ưu tiên thực hiện trước trong cái bình thời gian eo hẹp không thể giãn nở được. Đừng đắm mình vào những thứ nhỏ nhặt như sỏi, cát để rồi sau này các em sẽ hối tiếc vì không đủ thời gian và sức lực cho những điều quan trọng”.
Đó là một minh họa không bao giờ quên đối với những học sinh năm đó. Từ đó về sau, họ luôn cố gắng chọn lựa và sắp xếp các công việc sao cho hợp lí nhất.
Vậy còn bạn thì sao? Bạn đã thực hiện được bao nhiêu viên đá lớn trong bình thời gian của mình rồi?

BA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Theo các con vì sao hạt đá nhỏ và cát lại có thể bỏ vào trong bình đứng hạt đá lớn?
  2. Theo các con xem phim hoạt hình, chơi game và sau đó mới tiếp đến làm bài tập ở nhà có nên không ?
  3. Thế nào là việc sắp việc học và chơi một cách khoa học hả các con?
  4. Theo các con, học chữ, học anh văn, học đạo đức, học toán ? chúng ta sắp xếp việc làm bài tập như thế nào để kịp thời gian nộp bài cho thầy?
  5. Con có thích câu chuyện này không ? Vì sao con thích?