CÓ THỂ CHO NGƯỜI NGHÈO NHỮNG THỨ ẤY

Khoảng năm 1914, Bác Hồ – lúc bấy giờ gọi là Nguyễn Tất Thành – đã đến Luân Đôn – Thủ đô của nước Anh. Ở đây có thời gian Bác phải làm phụ bếp cho khách sạn Các-tơn
Ở khách sạn Các-tơn, hằng ngày có người phục vụ dưới bếp. Những người này, sau khi khách ăn xong, có nhiệm vụ phải thu dọn bát đĩa… và đổ tất cả thức ăn thừa vào một cái thùng to rồi sau đó đem đổ đi. Có khi những thức ăn thừa là một phần tư con gà, hay cả đĩa bánh mỳ và những miếng bít tết to tướng…
Đến lượt anh Thành làm phụ bếp, những thức ăn thừa của khách, anh đem để riêng và đậy lại cẩn thận sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng rồi đưa cho nhà bếp.
Thấy vậy ông đầu bếp Ét-cốt-phi-e hỏi lại anh:
– Tại sao anh không đem những thức ăn này đổ vào thùng như những người khác?
– Anh Thành điềm tĩnh trả lời:
– Không nên đem vứt những thứ này đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy.
Câu nói của anh Thành làm cho ông đầu bếp rất ngạc nhiên, vì ông thấy từ trước tới nay, chưa có ai ở khách sạn này nghĩ và nói như anh Thành.
Ông chủ bếp và mọi người nhìn anh biểu hiện một sự quý mến và khâm phục trước tấm lòng yêu thương của anh đối với những người nghèo.

  1. Em hiểu gì về Bác Hồ?
    2. Bác Hồ có yêu các em nhi đồng không?
    3. Bác Hồ đi sang Anh để làm gì?
    4. Bác làm gì để kiếm sống?
    5. Bác làm gì với số đồ ăn thừa của khách?
    6. Bác có thương yêu người nghèo không?
    7. Ai khâm phục và quý mến Bác?

BA MẸ HỎI THÊM CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Người phụ bếp Nguyễn Tất Thành đã làm gì với đồ ăn thừa còn rất ngon của khách để lại? Việc làm đó cho thấy anh là người như thế nào?
  2. Sau này khi đã trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh tình cảm của Bác đối với mọi người dân và đặc biệt là các em thiếu niên nhi đồng như thế nào?
  3. Con có biết tại sao hồi đó Bác Hồ lại đi làm phụ bếp cho khách sạn không? Bác đã đi qua bao nhiêu nước?
  4. Tại sao đi đâu và làm gì Bác cũng được mọi người yêu quý?
  5. Con thường làm những gì để giúp đỡ hoặc chia sẻ khó khăn với mọi người xung quanh mình?