CÂU CHUYỆN NGƯỜI THỢ XÂY

“Mỗi người nhận được từ cuộc đời những gì mà mình đã bỏ vào đó”

Người thợ xây nọ đã làm việc rất chuyên cần và hữu hiệu trong nhiều năm cho một hãng thầu xây dựng. Một ngày kia, ông ngỏ ý với hãng muốn xin nghỉ việc về hưu để vui thú với gia đình.

Hãng thầu rất tiếc khi thiếu đi một người thợ giỏi đã tận tụy nhiều năm. Hãng đề nghị ông cố gắng ở lại giúp hãng xây một căn nhà trước khi thôi việc. Ông ta nhận lời.

Vì biết mình sẽ giải nghệ, cùng với sự miễn cưỡng, ông ta làm việc một cách tắc trách qua quít, xây dựng căn nhà với những vật liệu tầm thường, kém chọn lọc, miễn có một bề ngoài đẹp đẽ mà thôi.

Mấy tháng sau, căn nhà đã hoàn thành. Người chủ hãng mời ông đến, trao cho ông chiếc chìa khóa của ngôi nhà và nói: “Ông đã gắn bó và làm việc rất tận tụy với hãng trong nhiều năm, để tưởng thưởng* về sự đóng góp của ông cho sự thịnh vượng của hãng, chúng tôi xin tặng ông ngôi nhà vừa xây xong!”

Thật là bàng hoàng! Nếu người thợ biết mình sẽ xây cất căn nhà cho chính mình thì hẳn ông ta đã làm việc cẩn thận hơn và chọn lựa những vật liệu có phẩm chất hơn. Sự làm việc tắc trách chỉ có mình ông biết và nay thì ông phải sống với căn nhà mà ông biết rõ là kém phẩm chất như thế nào.

* Tưởng thưởng (từ cũ): thưởng, khen thưởng để ghi nhớ công lao.

BA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Con hiểu về câu nói này như thế nào: “mình làm một việc như thế nào thì mình sẽ làm mọi việc như thế” ?
  2. Con có biết tại sao người thợ xây lại bàng hoàng khi nhận ngôi nhà mình vừa xây không?
  3. Con có thích cách xây dựng nhà của người thợ trong truyện không? Tại sao?
  4. Con hãy tưởng tượng xem nếu như mình ở trong một ngôi nhà được xây dựng không chắc chắn thì có những nguy cơ gì có thể xảy ra?
  5. Con sẽ làm gì khi thấy bạn con làm một việc gì đó chưa tốt ?