MỘT NGƯỜI TRONG SỐ CHÚNG TA

Vào ngày 15/2/1921, có một vị bác sĩ phải thực hiện ca mổ ruột thừa. Đó là bác sĩ Evan Kane, đã hoạt động trong ngành y suốt 37 năm và thực hiện gần 4000 ca cắt ruột thừa. Cho nên, ca phẫu thuật này không có gì là bất thường, ngoại trừ hai điều:

Điều thứ nhất, đây là lần đầu tiên loại thuốc gây tê cục bộ được dùng cho một ca phẫu thuật lớn. Bác sĩ Kane tin rằng loại thuốc tê một phần cơ thể này dùng sẽ an toàn hơn là việc gây mê làm cho bệnh nhân ngủ suốt cả ca mổ, hơn nữa lại tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Đa số các đồng nghiệp đều đồng ý với bác sĩ Kane, nhưng ai cũng muốn tận mắt chứng kiến xem có thật sự thành công không đã.

Thế là bác sĩ Kane tìm kiếm một tình nguyện viên – một bệnh nhân sẵn sàng trải qua một ca phẫu thuật hoàn toàn chỉ dùng thuốc tê cục bộ. Thật không dễ để tìm một người như vậy. Đa số mọi người không thể chịu nổi cái ý nghĩ mình cứ tỉnh như sáo trong suốt thời gian bác sĩ mổ cho mình – như thế thật không giống với bình thường. Còn những người khác thì sợ rằng thuốc tê sẽ mau chóng mất tác dụng khi còn chưa mổ xong.

Tuy nhiên, cuối cùng thì bác sĩ Kane cũng đã tìm được một tình nguyện viên. Vào buổi sáng thứ ba, ngày 15/2, ca phẫu thuật bắt đầu. Bệnh nhân được chuẩn bị đầy đủ và được đẩy xe lăn vào phòng mổ. Thuốc gây tê cục bộ được sử dụng. Như hàng ngàn lần trước đây, bác sĩ Kane bình tĩnh thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa. Bệnh nhân chỉ hơi thấy bất tiện một chút, nhưng hồi phục nhanh và được xuất viện chỉ sau hai ngày.

Bác sĩ Kane đã chứng minh được lý thuyết của mình. Nhờ tinh thần sẵn sàng của một tình nguyện viên, bác sĩ đã cho thấy rằng thuốc gây tê cục bộ là một lựa chọn tốt hơn thuốc mê cho những ca mổ ruột thừa.

Nhưng còn có một điều nữa làm cho ca phẫu thuật này không bình thường. Đó chính là tình nguyện viên – bệnh nhân chịu để “mổ thí nghiệm” chính là bác sĩ Kane. Tức là, để chứng minh điều mình nói, bác sĩ Kane đã tự phẫu thuật cho mình! Vị bác sĩ tự biến mình thành bệnh nhân để thuyết phục các bệnh nhân tin vào y học, không chỉ nên tin vào công dụng của thuốc gây mê, mà còn tin vào tinh thần và trách nhiệm làm việc của các bác sĩ.

Để có một điều gì đó mới được mọi người cùng tin tưởng sử dụng, trước hết, một người trong số chúng ta phải đủ can đảm để dám làm, dù đó là điều rất khác so với thông thường. Bác sĩ Kane đã chứng minh là một nguyên tắc sống như vậy: Luôn cần có một-người-trong-số-chúng-ta.

CHA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Tại sao câu chuyện lại có tên “một người trong chúng ta”?
  2. Hai điều quan trọng trong cuộc thử nghiệm phẫu thuật này là gì?
  3. Ai là tình nguyện viên chịu mổ ruột thừa?
  4. Đau ruột thừa có nguy hiểm không?
  5. Người bác sỹ phải làm gì để có lòng tin của bệnh nhân?
  6. Người can đảm là người như thế nào?