LÝ THÁI TỔ DỜI ĐÔ VỀ THĂNG LONG

Lúc vua Lý Thái Tổ vừa lên ngôi, kinh đô vẫn đang ở thành Hoa Lưu (Ninh Bình). Đó là một nơi địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp. Trong thời chiến, đó là một địa điểm lý tưởng để phòng thủ kiên cố. Nhưng nay, đất nước thái bình, thế nước đang đi lên thì Hoa Lưu có vẻ quá chật hẹp. Vua trăn trở rất nhiều về điều này.

Mùa xuân năm 1010, vua Lý Thái Tổ vi hành bằng thuyền đến Đông Bộ Đầu, ngoài thành Đại La thì dừng lại, nhà vua lên bờ ngắm nhìn đường phố sầm uất, chợ búa đông vui, giao thông thuận lợi. Vua xem xét kỹ về bố trí của thành Đại La, xưa là trụ sở của chính quyền đô hộ phương Bắc, được tu sử nhiều lần. Cuộc viếng thăm để lại trong vua nhiều suy ngẫm.

Về đến Hoa Lưu, ông mời Quốc sư thiền sư Vạn Hạnh để hỏi ý. Hai thầy trò bàn luận thâu đêm, cân nhắc thiệt hơn giữa Đại La và Hoa Lưu. Cuối cùng, vua Thái Tổ quyết định: Dời đô!

Đức vua xuống chiếu:

“Đại La thành cũ của Cao Vương (Cao Biền), ở giữa trung tâm trời đất, có thế rồng phục hổ chầu, đúng ngôi đông-tây-nam-bắc, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân không khổ về ngập lụt tối tăm, muôn vật được tốt tươi phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, đó là nơi thắng địa, thực là chỗ hội quan yếu của tứ phương, xứng là nơi định đô cho muôn đời.

Trẫm muốn định đô ở đó, các khanh nghĩ sao?”

Các quan văn võ đều tâu đồng ý, tuân theo lệnh đức vua Thái Tổ.

Vua lập tức ra lệnh cho tất cả thợ thầy tài giỏi, lành nghề đến Đại La khảo sát địa hình, đo đạc để xây dựng các công trình quan trọng. Hầu hết quân lính được điều động để san lấp đất, xây dựng cầu đường, thành trì, cung điện, đền, chùa. Các lò gạch, ngói, lò nung vôi được dựng khắp nơi trong thành, ngày đêm nổi lửa. Việc xây cất, chuẩn bị dời đô điễn ra rất khẩn trương nhưng cũng rất cẩn thận và tỉ mỉ. Hầu hết các công trình làm xong tới đâu là có thể đưa vào sử dụng ngay tới đấy.

Tới khoảng tháng Bảy âm lịch năm 1010, kinh đô mới cơ bản đã hoàn tất, gồm 3 vòng thành. Vòng đầu tiên là Kinh thành (còn gọi là La Thành), vòng tiếp theo bên trong là Hoàng thành, sau cùng là Cấm thành.

Ngay trong tháng Bảy đó, đức vua Lý Thái Tổ lên Thuyền Ngự, cùng đoàn thuyền hộ giá lên đường, chính thức dời đô mới. Khi thuyền đến nơi thì trời cũng vừa sáng, vua bước ra khoang thuyền, thấy một đám mây màu vàng hình tựa con rồng đang bay lên từ kinh thành mới. Đức vua linh tính đấy là một điềm lành, nhân đó gọi kinh đô mới là Thăng Long.

Thành Thăng Long ngày ấy chính là thủ đô Hà Nội của nước ta bây giờ.

BA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Vì sao vua Lí Thái Tổ lại muốn dời đô từ Hoa Lưu về thành Đại La?
  2. Vua đã cho tiến hành việc dời đô như thế nào?
  3. Kinh thành mới được vua gọi tên là gì? Nay là địa danh nào của nước ta?
  4. Vua Lí Thái Tổ có là một vị vua tài giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng không? Vì sao con biết?
  5. Vua Lí Thái Tổ có yêu đất nước và nhân dân mình không?
  6. Vua có là người tận tụy chăm lo cho đất nước và nhân dân của mình không?
  7. *Con hãy tưởng tượng, nếu vua Lí Thái Tổ không dời đô về thành Thăng Long thì lịch sử có thể diễn ra như thế nào?