LÝ CÔNG UẨN KHAI MỞ VƯƠNG TRIỀU LÝ

Vào cuối đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) của triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn đang là một võ tướng quan trọng trong triều, nắm giữ một đơn vị tinh nhuệ bảo vệ hoàng thành. Ông rất được vua, quan quân và người dân kính trọng vì tính quyết đoán, sáng suốt, khoan dung, nhân từ.

Khi vua Lê Đại Hành mất, hoàng tử Lê Long Đĩnh giết anh trai của mình là Thái tử Lê Long Việt để cướp ngôi, lấy danh hiệu là Lê Ngọa Triều. Long Đĩnh đặt thi thể anh trai giữa triều để uy hiếp quần thần. Ai cũng cũng khiếp sợ, quỳ mọp dưới sân rồng im thin thít. Chỉ có tướng quân Lý Công Uẩn dám chạy tới, ôm thi hài Long Việt mà khóc thương cho số phận Thái tử. Vì quá nể trọng Công Uẩn, Long Đĩnh không những trừng phạt mà còn thăng chức vượt cấp cho ông làm Tả thân vệ Điện Tiền chỉ huy sứ, đồng thời an táng anh mình đúng lễ nghi của một vị vua, với thiệu úy là Lê Trung Tông, tuy mới làm vua được ba ngày.

Bốn năm sau, vào cuối tháng 11 năm 1009, vua Lê Long Đĩnh trút hơi thở cuối cùng khi ông 23 tuổi. Lúc đó, con của vua Long Đĩnh còn quá nhỏ để nối ngôi, hơn nữa trong bốn năm cai trị của vua Long Đĩnh, quan  quân và nhân dân đều mất niềm tin và chán ghét triều Tiền Lê. Mọi người rất mong mỏi một vị minh quân lên làm chủ đất nước, dẫn dắt nhân dân đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lúc đó, không ai xứng đáng hơn Điện Tiền tướng quân Lý Công Uẩn để đảm nhận trọng trách đó. Dưới sự cầu khẩn của bá quan văn võ, ông đã chấp thuận, chính thức đăng quang khai mở vương triều nhà Lý vào mùa xuân năm 1010, đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Sử sách gọi là vua Lý Thái Tổ.

Được dạy dỗ bởi các thiền sư từ thuở nhỏ, nên vua Lý Thái Tổ thấm nhuần các tư tưởng bác ái, nhân từ. Vừa lên ngôi, ông đã ban lệnh xóa nợ thuế cũ cho những người nghèo khổ, bãi bỏ những quy định hà khắc. Ông rất chú tâm xây dựng vương triều, củng cố chính quyền trung ương trên nền tảng của đạo đức và tình yêu thương. Chế độ thuế khóa rất nhẹ để dưỡng sức dân. Đất nước khởi sắc, thay đổi từng ngày. Mùa màng liên tiếp bội thu. Dân tình phấn khởi.

Dấu ấn lớn nhất ông để lại cho hậu thế, thể hiện tầm nhìn xa rộng của ông, là dời đô về thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội!

Vua Lý Thái Tổ đã đặt cơ sở vững chắc, định hướng ban đầu sáng suốt cho sự tồn tại của vương triều nhà Lý và sự phát triển của đất nước trong suốt 216 năm.

BA MẸ HỎI CON CÁC CÂU SAU NHÉ!

  1. Lý Công Uẩn là vị tướng như thế nào dưới triều Tiền Lê?
  2. Lê Long Đĩnh đã làm gì để lên ngôi vua? Hành động đó đúng hay sai? Vì sao?
  3. Vì sao Lý Công Uẩn lại ôm thi hài anh trai của Lê Long Đĩnh khóc giữa triều đình?
  4. *Vì sao văn võ bá quan đều đồng lòng tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, khi vua Lê Long Đĩnh mất?
  5. Khi lên làm vua, Lý Công Uẩn đã thực hiện những điều gì? Đất nước và người dân dưới sự trị vì của vua như thế nào?
  6. Vua Lý Thái Tổ có là người tài giỏi, nhân đức không? Để trở thành một người tài giỏi, nhân đức như vậy, ông đã rèn luyện đạo đức, trí tuệ và nghị lực như thế nào?